Chi tiết tin
Người lao động Việt Nam tại Thái Lan gặp khó khăn

Những năm gần đây,tình trạng lao động Việt Nam sang Thái Lan làm việc “chui” đã trở nên phổ biến tại các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Nghệ An, Hà Tĩnh.

Theo số liệu của ngành LĐ-TB&XH, người Việt làm việc tại Thái Lan khoảng 100.000 người, trong đó riêng tỉnh Hà Tĩnh là 10.000 người tập trung ở các huyện như: Can Lộc (3.000), Thạch Hà (2.500), Cẩm Xuyên (1.000)…

Số lao động này chủ yếu sang đất Thái bằng hộ chiếu du lịch với thời hạn 30 ngày. Tuy nhiên, cuộc đảo chính tháng 5-2014 ở Thái Lan đã khiến nhiều người nhập cư Việt Nam lo ngại vì không thể quay trở lại Thái Lan.

Trào lưu sang Thái làm việc

Lý do lao động phổ thông chọn Thái Lan là điểm đến dù nước này chưa chính thức tuyển dụng lao động Việt Nam là bởi dễ đi, tốn ít kinh phí, dễ tìm việc, thu nhập tương đối. Mỗi lao động chỉ cần mất 2-3 triệu đồng cho “cò” hoặc đi theo người thân, bạn bè là có thể “xuất ngoại” và sau một ngày đi bằng đường bộ qua cửa khẩu Lào - Thái Lan là có thể tìm một việc làm trên đất Thái.

Trong khi cùng thời điểm, người lao động phải bỏ ra một khoản tiền trên dưới 100 triệu đồng nếu muốn đi Malaysia, Angola… Hầu hết số này đều sang Thái theo hộ chiếu du lịch rồi ở lại làm việc trái phép. Người lao động Việt Nam sang Thái Lan làm đủ mọi nghề như rửa bát, giữ xe, phục vụ nhà hàng, thợ may, phụ hồ...

Theo bà Nguyễn Thị H (Thạch Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh), tại xã Thạch Sơn có 171 hộ của xóm Sông Hải thì có đến 120 người lao động đi làm việc tại Thái Lan, xóm Sông Tiến cũng có đến 109 lao động/130 hộ.

Xóm Nhật Tân, xã Mỹ Lộc có hơn 360 hộ thì có tới 312 lao động đi Thái; xóm Đại Đồng hơn 200 hộ nhưng có 227 người đi, xóm Trại Tiểu cũng có tới 165 người. Lao động phải bươn chải nơi đất khách quê người, khác biệt về ngôn ngữ, phần nữa có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào nhưng họ vẫn gắng bám trụ vì về nhà không thể kiếm đâu ra từ 7 - 10 triệu đồng/người/ tháng.

Tại xã Thạch Sơn những năm gần đây, những ngôi nhà khang trang liên tục mọc lên. Trong xóm, hầu như chỉ còn lại người già và trẻ con. Những lao động chính trong nhà đều lần lượt sang Thái Lan làm việc.

Nhiều gia đình cả vợ chồng cùng làm việc tại Thái Lan. Vợ chồng anh Bình, chị Quế (xóm 6, xã Cẩm Thạch) gửi lại 3 đứa con thơ cho ông bà nội từ hơn 10 năm nay để sang Thái Lan kiếm kế sinh nhai.

Chồng làm thuê cho một xưởng may, vợ phục vụ tại một quán ăn, 2 vợ chồng dành dụm được khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Nhu cầu lao động Việt Nam ở Thái Lan cao do người lao động được đánh giá là có tay nghề cao, dễ đào tạo và làm việc chăm chỉ.

Đối mặt khó khăn

Trước đây người lao động Việt Nam đã tận dụng thỏa thuận miễn thị thực để làm việc bất hợp pháp tại Thái Lan. Thái Lan đã ký hiệp định miễn thị thực với rất nhiều quốc gia để thúc đẩy du lịch, trong đó có việc cho phép người nước ngoài vào Thái Lan trong vòng 30 ngày mà không cần visa.

Hết thời hạn này họ có thể ra khỏi biên giới và quay trở lại trong ngày để được thêm 30 ngày nữa. Không hề có quy định về số lần đi ra vào biên giới là bao nhiêu. Tuy nhiên, cuộc đảo chính tháng 5/2014 ở Thái Lan đã khiến nhiều người nhập cư Việt Nam lo ngại.

Ngày 11/6/2014, chính quyền quân sự Thái Lan đe dọa bắt giữ và trục xuất các lao động nước ngoài nhập cư bất hợp pháp. Một làn sóng người lao động nhập cư trở lại Việt Nam, Lào, Campuchia. Báo cáo của giới chức Thái Lan cho biết hơn 120.000 người vượt biên giới để trở về nước chỉ trong vòng chưa đến một tuần. Hiện có hơn 2,2 triệu lao động nước ngoài tại Thái Lan, trong đó hơn 1,8 triệu là lao động bất hợp pháp.

Làn sóng lao động nhập cư rời khỏi Thái Lan chỉ xuất hiện ở những người Campuchia, tuy nhiên cũng gây ảnh hưởng về mặt tâm lý lên các nhóm lao động nước ngoài khác trong đó có người Việt, đặc biệt là nhóm lao động bất hợp pháp.

Lao động nhập cư rời khỏi Thái Lan đã gây nên tình trạng thiếu trầm trọng lao động tại các nhà máy, doanh nghiệp… trên địa bàn Thái Lan.

Theo tờ The Nation, nhiều người Việt Nam làm việc trong các ngành nghề chăm sóc sức khỏe hoặc làm người giúp việc và giúp bán hàng. Những người không nói được tiếng Thái thì tìm được việc làm như công nhân ca đêm tại các cửa hàng bán thịt.

Nhiều người cũng làm việc trong các nhà hàng, giúp làm bếp, trong khi số đông làm phục vụ và tiếp viên. Những người này có khả năng nói tiếng Thái. Có thể thấy những người lao động này ở các tỉnh lớn của Thái Lan.

Anh Nguyễn Văn X, quê Hà Tĩnh cho biết: Tôi làm việc tại một lò mổ gà ở Khon Kaen, được trả 300 Bạt/ngày (tương đương 200 nghìn đồng), bao ăn ở và từ đó hàng tháng tôi phải gia hạn thị thực 30 ngày qua Lào. Tuy nhiên sau cuộc đảo chính, một số lao động nhập cư Việt Nam đã không thể quay trở lại Thái Lan.

Kết quả là, hàng loạt người lao động Việt Nam đã phải về nước chờ cho tình hình trở lại bình thường để quay trở lại làm việc. Tôi hy vọng sẽ sớm được trở lại làm việc vì ở nhà tôi không thể kiếm được việc làm có mức thu nhập như vậy. Tôi thích làm việc tại đây vì người sử dụng lao động tại Thái Lan rất hào phóng và không ngược đãi người lao động.

Ngày 23-6-2014, Bộ Ngoại giao Thái Lan có công hàm gửi các cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Bangkok, khẳng định việc miễn thị thực nhập cảnh Thái Lan chỉ dành cho mục đích du lịch.

Hiện tại, cơ quan chức năng Thái Lan đang áp dụng các biện pháp nhằm từng bước hạn chế việc “nối thị thực” để nhập cảnh Thái Lan nhằm mục đích lao động bất hợp pháp. Từ ngày 12-8-2014, Thái Lan sẽ chính thức cấm “nối thị thực.”

(Nguồn: Dân trí)

Đối tác