Chi tiết tin
Trao đổi triển khai Thoả thuận phái cử và tiếp nhận lao động giữa Việt Nam và Thái Lan

                      

 

Trên tinh thần đẩy mạnh hợp tác giữa nước CHXHCN Việt Nam và Vương quốc Thái Lan trong lĩnh vực lao động, trên cơ sở Bản ghi nhớ hợp tác về lao động và Thỏa thuận tuyển dụng lao động giữa hai nước được ký năm 2015, sáng ngày 20/4/2016, tại trụ sở Bộ LĐ-TB&XH, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có buổi tiếp thân mật Bộ trưởng Bộ Lao động Thái Lan Sirichai Distakul dẫn đầu Đoàn cán bộ Bộ Lao động Thái Lan, Bộ Ngoại giao Thái Lan đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Cùng dự buổi tiếp có Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, lãnh đạo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, và lãnh đạo một số đơn vị có liên quan thuộc Bộ.

Trước đó, ngày 19/4/2016, ông Tống Hải Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chủ trì làm việc với Đoàn cán bộ của Thái Lan, trao đổi nội dung liên quan đến triển khai Thoả thuận phái cử và tiếp nhận lao động, thống nhất quy trình thủ tục đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan, các chi phí dự kiến người lao động chi trả, danh sách các đơn vị phái cử lao động của Việt Nam. Theo đó, các đơn vị được phép tham gia phái cử lao động Việt Nam sang Thái Lan được Bộ Lao động 02 nước đồng ý gồm 04 đơn vị sự nghiệp (Trung tâm Lao động ngoài nước - trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH; Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An - trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An; Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Tĩnh - trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh; và Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Quảng Bình - trực thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình), và 05 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (SONA, TTLC, THINH LONG CORP, HOANG LONG HURESU, VIHATICO). Những đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ được lựa chọn đáp ứng các điều kiện hai Bên đưa ra về kinh nghiệm đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong ngành đánh bắt cá và xây dựng; có đối tác Thái Lan để hợp tác cung ứng lao động trong 02 ngành nghề này; cũng như về yếu tố địa lý, vùng miền để thuận lợi cho người lao động ở những địa phương có thế mạnh về nghề đánh bắt cá và xây dựng đăng ký tham gia.

Phía Thái Lan thống nhất cuối tháng 4/2016 sẽ thông báo cho phía Việt Nam về mẫu hợp đồng lao động, tài liệu để phục vụ hoạt động đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh, nội dung kiểm tra sức khỏe với người lao động và danh sách các cơ quan tiếp nhận phía Thái Lan cũng như các chi phí người lao động phải chi trả để có thể chính thức triển khai Thỏa thuận vào tháng 5 năm 2016.

Theo Thoả thuận này, trong thời gian tới người lao động Việt Nam sẽ sang làm việc trong 02 ngành nghề đánh cá và xây dựng. Căn cứ vào kết quả thực hiện, nhu cầu thực tế của người sử dụng lao động Thái Lan và khả năng đáp ứng của người lao động Việt Nam, phía Thái Lan sẽ xem xét mở các ngành nghề mới để tiếp nhận thêm lao động từ Việt Nam.
                                                                                                                                                Nguồn: Cục Quản lý lao động Ngoài nước

Đối tác